Kinh tế Malaysia

Bài chi tiết: Kinh tế Malaysia
tháp đôi Petronas tại Kuala Lumpur là trụ sở của công ty dầu quốc gia Petronas, cũng là tháp đôi cao nhất trên thế giới.

Malaysia là một nền kinh tế thị trường định hướng nhà nước tương đối mở và công nghiệp hóa mới.[83][84] Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong hướng dẫn hoạt động kinh tế thông qua các dự án kinh tế vĩ mô, song vai trò này đang giảm xuống. Malaysia sở hữu một trong những hồ sơ kinh tế tốt nhất tại châu Á, GDP tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm trong giai đoạn từ 1957 đến 2005.[15] Năm 2016, GDP của Malaysia là khoảng 302 tỷ đô la Mỹ, là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, lớn thứ 14 châu Á và lớn thứ 38 trên thế giới.[85] Năm 1991, Thủ tướng Malaysia đương thời là Mahathir Mohamad phác thảo ý tưởng của ông trong "Tầm nhìn 2020", theo đó Malaysia sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa tự túc vào năm 2020.[86] Thủ tướng thứ sáu là Najib Razak nói rằng Malaysia sẽ đạt đến tình trạng nước phát triển vào năm 2018, sớm hơn so với mục tiêu vào năm 2020, ông đưa vào thực hiện hai chương trình là Chương trình chuyển đổi chính phủ và Chương trình chuyển đổi kinh tế.[87]

Trong thập niên 1970, nền kinh tế dựa chủ yếu vào khai mỏ và nông nghiệp của Malaysia bắt đầu chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế đa lĩnh vực hơn. Từ thập niên 1980, lĩnh vực công nghiệp, với đầu tư ở mức cao, dẫn dắt tăng trưởng của quốc gia.[15][88] Sau Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, kinh tế Malaysia phục hồi sớm hơn các quốc gia láng giềng, và kể từ đó phục hồi mức của thời kỳ tiền khủng hoảng với GDP bình quân đầu người là 14.800 đô la.[89][90] Bất bình đẳng kinh tế tồn tại giữa các dân tộc khác nhau, người Hoa chiếm khoảng một phần ba dân số song lại chiếm 70% giá trị vốn hóa thị trường của quốc gia.[91]

Malaysia là một trong những quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới

Thương mại quốc tế của Malaysia có thuận lợi do nằm sát tuyến đường tàu thủy qua eo biển Malacca, và chế tạo là lĩnh vực then chốt.[92][93][94] Malaysia là một nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản, dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chính.[15] Malaysia từng là nhà sản xuất lớn nhất các mặt hàng thiếc,[95] cao sudầu cọ trên thế giới. Lĩnh vực chế tạo có ảnh hưởng lớn trong kinh tế quốc gia,[96] song cấu trúc kinh tế của Malaysia đang chuyển ra khỏi tình trạng này.[97] Malaysia vẫn là một trong các nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.[98]

Chính phủ thúc đẩy sự gia tăng du lịch đến Malaysia trong một nỗ lực nhằm đa dạng hóa kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu. Kết quả là du lịch trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn thứ ba của Malaysia, song nó đang bị đe dọa do những tác động tiêu cực từ ngành công nghiệp đang phát triển, với một lượng lớn khí thải và nước thải cùng với nạn phá rừng.[99] Từ năm 2013-2014, Malaysia được xếp là một trong những nơi tốt nhất để nghỉ hưu trên thế giới, đứng vị trí thứ 3 theo Chỉ số hưu trí toàn cầu. Đây là một trong những kết quả của chương trình "Malaysia My Second Home", theo đó người ngoại quốc được phép sống tại Malaysia theo một thị thực trường trú lâu đến 10 năm.[100]

Malaysia phát triển thành một trung tâm của ngân hàng Hồi giáo, và là quốc gia có số nữ lao động cao nhất trong ngành này.[101] Các ngành dịch vụ dựa trên tri thức cũng phát triển.[97] Để tạo ra khả năng phòng thủ tự lực và hỗ trợ phát triển quốc gia, Malaysia tiến hành tư hữu hóa một số cơ sở quân sự của mình trong thập niên 1970. Hành động tư hữu hóa tạo ra ngành công nghiệp quốc phòng, đến năm 1999 thì nằm dưới sự quản lý của Hội đồng công nghiệp quốc phòng Malaysia. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này và tính cạnh tranh của nó, tích cực tiếp thị công nghiệp quốc phòng.[102]

Bộ Khoa học, Công nghệ và Cách tân quy định các chính sách khoa học tại Malaysia. Malaysia nằm trong số các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn, thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông.[15]Malaysia bắt đầu phát triển chương trình không gian một cách riêng rẽ vào năm 2002,[103][104] và đến năm 2006, Nga đồng ý vận chuyển một người Malaysia lên Trạm vũ trụ Quốc tế như là một phần trong thương vụ 18 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKM trị giá nhiều tỷ đô la giữa hai bên.[105] Chính phủ Malaysia đầu tư kiến thiết các vệ tinh thông qua chương trình RazakSAT.[106]

Người Hoa là thế lực nắm huyết mạch kinh tế của Malaysia, vì vậy địa vị và quyền lợi của người Hoa rất lớn trên chính trường cũng như trong kinh doanh, giáo dục[107] Thống kê năm 2000 cho thấy người Hoa sở hữu hơn 62% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Malaysia, dù người Hoa chiếm chưa đầy 1/4 dân số Malaysia[108] Năm 2010, người Hoa chi phối trong các lĩnh vực thương nghiệp và mậu dịch, kiếm soát xấp xỉ 70% kinh tế Malaysia.[109]

Cơ sở hạ tầng

Xa lộ Nam-Bắc

Malaysia có cơ sở hạ tầng thuộc hàng phát triển nhất tại châu Á.[110] Hệ thống viễn thông chỉ đứng sau Singapore tại Đông Nam Á, với 4,7 triệu thuê bao điện thoại cố định và trên 30 triệu thuê bao điện thoại di động.[111][112] Malaysia có bảy cảng quốc tế, cảng chính là cảng Klang. Malaysia có 200 khu công nghiệp cùng với các chuyên khu như Khu Công nghệ Malaysia hay Khu Công nghệ cao Kulim.[113] Trong thời kỳ thuộc địa, sự phát triển chủ yếu tập trung các thành thị hùng mạnh về mặt kinh tế và tại các khu vực hình thành mối quan tâm về an ninh. Mặc dù các khu vực nông thôn được chú trọng, song vẫn tụt hậu so với các khu vực như bờ Tây của Malaysia bán đảo.[114]

Hệ thống đường bộ của Malaysia trải dài 98.721 kilômét (61.342 mi) và có 1.821 kilômét (1.132 mi) đường cao tốc.[66] Xa lộ dài nhất Malaysia là xa lộ Nam-Bắc với chiều dài trên 800 kilômét (497 mi) từ biên giới với Thái Lan đến biên giới với Singapore. Hệ thống đường bộ tại Đông Malaysia kém phát triển hơn và có chất lượng thấp hơn so với Malaysia bán đảo.[115] Malaysia có 118 sân bay, trong đó 38 có đường băng được lát. Hãng hàng không quốc gia chính thức là Malaysia Airlines, cung cấp dịch vụ hàng không quốc tế và quốc nội. Hệ thống đường sắt do nhà nước vận hành, có tổng chiều dài 1.849 kilômét (1.149 mi).[66] Các hệ thống đường sắt nhẹ trên cao có giá tương đối rẻ và được sử dụng tại một số thành phố như Kuala Lumpur.[116]

Theo truyền thống, sản xuất năng lượng tại Malaysia dựa vào dầu và khí đốt thiên nhiên.[117] Quốc gia có công suất phát điện 13 GW.[118] Tuy nhiên, Malaysia chỉ có dự trữ khí đốt thiên nhiên 33 năm, và dự trữ dầu 19 năm, trong khi nhu cầu năng lượng đang gia tăng. Nhằm ứng phó, chính phủ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.[117] 16% nguồn cung điện năng đến từ thủy điện, 84% còn lại đến từ nhiệt điện.[118] Công ty quốc hữu Petronas chi phối ngành dầu khí Malaysia.[119]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Malaysia http://www.une.edu.au/asiacentre/PDF/No22.pdf http://se-asia.commemoration.gov.au/background-to-... http://www.dfat.gov.au/geo/malaysia/malaysia_brief... http://www.environment.gov.au/soe/2001/publication... http://www.bt.com.bn/2013/05/16/asean-bid-2034-fif... http://books.google.ca/books?id=Yy8V7K0jwsgC&lpg=P... http://www.fih.ch/files/Sport/World%20Ranking/FIH%... http://english.peopledaily.com.cn/90001/90777/9085... http://my.88db.com/Sports-Fitness/Club-Association... http://www.antaranews.com/en/news/1284390436/indon...